Căn cứ hợp đồng và tôn trọng hợp đồng phải là cơ sở của mọi quan hệ kinh tế !
Giữa tuần vừa rồi, Bộ trưởng Bộ GTVT lại một lần nữa “trảm” giữa trận tiền; nhưng lần này không phải là “trảm tướng” mà là “trảm quyền thu phí”. Dư luận lại một nữa dậy sóng ngợi khen sự quyết liệt, mạnh tay của vị Bộ trưởng đang làm được nhiều việc. Từ trảm tướng đến trảm quyền là một bước tiến, dư luận càng mong hơn bộ trưởng dám trảm cả những thể chế, ràng buộc trong lý do tại sao Cục Quản lý đường bộ II đã ra văn bản nhắc nhở Tổng Công ty Sông Đà (chủ đầu tư) nhiều lần nhưng đơn vị này cố tình phớt lờ. Có như thế hàng loạt vấn đề của ngành giao thông mới không cần bộ trưởng trực tiếp vung kiếm trảm.
Khác với việc giao vốn ngân sách để thực hiện các dự án giao thông, quan hệ trong các dự án hợp tác công – tư (PPP thể hiện trong ngành giao thông là BOT và BT) là quan hệ hợp đồng, đôi bên cùng chia sẻ rủi ro và lợi ích. Quyền thu phí, thời gian thu phí, chất lượng đường khi thu phí,.. đã được quy định trong hợp đồng. Tuy nhiên, căn cứ hợp đồng để hành xử, tôn trọng hợp đồng chưa phải là nguyên tắc tiên quyết, duy nhất với các dự án PPP công trình giao thông ở nước ta. Nếu hợp đồng được quy định rõ, chế tài chi tiết thì chủ đầu tư càng có động lực duy tu sửa chữa đường để không chịu những chế tài bị phạt trong hợp đồng. Cơ quan quản lý lúc này càng có công cụ để tự mình hoặc đề xuất trảm quyền thu phí mà không cần ra văn bản nhắc nhở hay bộ trưởng trực tiếp ra tay.
Các nghiên cứu trên thế giới cho rằng 4 yếu tố sau, xếp theo thứ tự ưu tiên, là những yếu tố cơ bản nhằm thúc đẩy sự thành công cho dự án PPP: (1) lợi ích thu được của 2 phía nhà nước và tư nhân khi thực hiện dự án; (2) năng lực của nhà đầu tư; (3) môi trường chính sách và kinh tế vĩ mô; (4) kiểm soát và chia sẻ rủi ro. Các yếu tố này phải được đưa vào các điều khoản hợp đồng và lường hết các tình huống trong hợp đồng.
Nhiều chuyên gia kinh tế của Ngân hàng thế giới và Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright Việt Nam và đã đặt ra những quan ngại khi thực hiện dự án BOT, BT công trình giao thông ở Việt Nam. Thứ nhất, bản chất của dự án PPP là chia sẻ rủi ro giữa khu vực công và khu vực tư nhưng khi doanh nghiệp nhà nước tham gia dự án tính chất chia sẻ rủi ro này có còn không? Tổng công ty Sông Đà trong trường hợp này là một minh chứng sống động và càng giải thích cho lý do vì sao Cục không “trảm” được mà cần đến Bộ trưởng trực tiếp “trảm”. Thứ hai là rủi ro trong bảo lãnh vốn vay, khi mà nhiều dự án tỷ lệ vốn vay lên đến 85% và hợp đồng không khống chế tiến độ đối ứng vốn nhà đầu tư ít phải chịu rủi ro trong phần vốn tự có của mình. Thứ ba là khuynh hướng tìm cách chuyển giao dự án trước thời hạn như kiểu dự án cầu Phú Mỹ. Nhà đầu tư lúc này trích dẫn từng dòng, từng chữ của hợp đồng để làm căn cứ cho lý do chuyển giao dự án của họ.